Bạo loạn dưới thời Aleksandr II Aleksandr_II_của_Nga

Dưới thời Aleksandr II, triều đình Nga hoàng phải đối phó với một vài cuộc bạo loạn.[19] Năm 1863 một phong trào khởi nghĩa bùng nổ tại Ba Lan, cuối cùng cũng nhận lấy chiến bại vào mùa thu năm 1864.[69] Năm xưa, các thầy của ông đã cho rằng Aleksandr là người dễ lùi bước trước khó khăn, thật vậy, trong những năm 1865 - 1866 ông chán nản vì những cải cách của ông đã không làm cho xã hội nước Nga được hòa thuận.[13] Sang thập niên 1870 Nga hoàng còn phải đối mặt với sự phát triển của trào lưu "Chủ nghĩa dân túy" của tầng lớp thanh niên trí thức.[70]

Đối phó với phong trào khởi nghĩa Ba Lan

Polonia, tranh của Jan Matejko, cho thấy hậu quả của cuộc khởi nghĩa tháng 1 năm 1863, đã bị triều đình Aleksandr II trấn áp. Những người tù chờ bị đày tới Xibia; các tướng sĩ Nga giám sát người thợ rèn trói "Polonia", người phụ nữ đại diện cho Ba Lan.

Ngay từ khi Aleksandr II mới lên làm vua, ông đã nói lời tuyên bố nổi tiếng với những người Ba Lan: "Đừng có mơ". Thời đó, người Ba Lan sống ở Vương quốc Lập hiến Ba Lan, Tây Ukraina, Litva, LivoniaBelarus. Trước sự đối xử bất bính đẳng của chế độ Nga hoàng, người Ba Lan đã phất cờ khởi nghĩa, xảy ra cuộc khởi nghĩa Tháng Giêng kéo dài từ năm 1863 đến năm 1864. Năm 1863, Phổ ký kết hiệp định với Nga, theo đó Phổ ủng hộ Nga hoàng trong cuộc khởi nghĩa tại Ba Lan.[11] Sau 8 tháng thực hiện chiến tranh du kích,[71] quân khởi nghĩa bị quân đội Nga hoàng trấn áp. Ngày 22 tháng 7 năm 1863, một hội nghị của công nhân được họp tại thành phố Luân Đôn, với quan điểm ủng hộ khởi nghĩa Ba Lan và phản kháng lại sự ủng hộ của các lãnh đạo Âu châu với chính quyền Aleksandr II. Năm sau (1864), vào ngày 28 tháng 9, công nhân các nước Anh và Pháp lại họp tại Luân Đôn, tỏ ra quan điểm chống đối việc quân Nga dập tắt cuộc đấu tranh của nhân dân Ba Lan.[72]

Hàng trăm người Ba Lan bị xử tử, và một số người bị trục xuất đến Xibia. Cái giá của khởi nghĩa đó là sự ủng hộ của Nga đối với công cuộc thống nhất nước Đức do người Phổ lãnh đạo. Được sự ủng hộ của Nga, Thủ tướng Phổ Otto von Bismarck đã đánh bại quân Đan Mạch (1864), Áo (1866) và Pháp (1871).[11] Thế mà hai mươi năm sau, đế chế Đức trở thành một kẻ thù đáng gờm của người Nga trên lục địa.

Tất cả các lãnh thổ của Ba Lan-Litva trước đây đều bị loại trừ khỏi những chính sách tự do được Aleksandr thực hiện. Luật quân nhân ở Litva, được giới thiệu năm 1863, kéo dài trong 40 năm sau. Các ngôn ngữ bản địa, Litva, UkrainaBelarus hoàn toàn bị loại bỏ khỏi các văn bản được in ra (xem thêm bài Sắc lệnh Ems). Triều đình cũng cấm nói và viết tiếng Ba Lan ở các tỉnh, ngoại trừ Vương quốc Lập hiến Ba Lan, nơi nó chỉ được cho phép dùng trong những cuộc đàm thoại cá nhân.

Chủ nghĩa dân túy và phong trào công nhân

Bài chi tiết: Chủ nghĩa dân túy

Cải cách giải phóng nông nô năm 1861 có hạn chế như đã nêu, và, cho đến đầu thế kỷ XX nước Nga vẫn còn nằm dưới chế độ quân chủ chuyên chế Nga hoàng.[1] Sau cuộc giải phóng nông nô năm 1861, phong trào giải phóng tại Nga vẫn chưa kết thúc. Nó bước vào giai đoân Cách mạng dân chủ tư sản, nói cách đây là giai đoạn của các cuộc đấu tranh do các tầng lớp phi quý tộc (các tầng lớp phi quý tộc bao gồm thương gia, tiểu tư sản, lớp giáo sĩ bên dưới và nông dân) lãnh đạo.[1] Ước nguyện của những nhà cách mạng phi quý tộc là người dân sẽ đi vào con đường dẫn tới cuộc sống công bằng, hạnh phúc, họ được gọi là những người dân tuý.

Năm 1877, các nhà cách mạng thực hiện cuộc vận động tích cực và "chớp nhoáng", theo đó họ kêu gọi nhân dân tại 37 tỉnh thuộc đế quốc Nga (thuộc phần châu Âu) ngay lập tức phải phất cờ khởi nghĩa, chống nhau với chế độ quân chủ chuyên chế Nga hoàng và tầng lớp địa chủ. Tuy vậy, quần chúng nông dân đã không làm theo những lời kêu gọi này. Để nắm bắt tình hình hoạt động của những người dân túy, cảnh sát của triều đình Aleksandr II đã đưa 4 nghìn người vào cơ quan mật vụ.

Tuy nhiên, những người theo Chủ nghĩa dân túy đã thay đổi hình thức hoạt động của họ, mà nguyên nhân là do sự bắt buộc của chính cuộc sống. Năm 1876, tại kinh đô Sankt-Peterburg, một hội bí mật mang tên "Ruộng đất và tự do" được Aleksandr Mikhailov, Sophia Lvovna Perovskaya, Georgi Valentinovich Plekhanov,… thiết lập. Hội này đã tách thành hai tổ chức hoạt động riêng biệt: "Chia đều các ruộng đất" và "Dân ý" (năm 1879). Dù nông dân đã tỏ ra thờ ơ trước lời kêu gọi khởi nghĩa, những thành viên của tổ chức "Chia đều các ruộng đất", lãnh đạo bởi Plekhanov không nản: họ vẫn cố kêu gọi nông dân đấu tranh trong một thời gian nữa. Còn nhóm "Dân ý" thì chủ trương dùng thủ đoạn khủng bố để chiến đấu chống triều đình Romanov, họ cho rằng: nhân dân sẽ vùng lên khởi nghĩa sau khi Nga hoàng bị ám hại. Năm 1880, lực lượng mật vụ và cảnh sát của chế độ Nga hoàng đẩy mạnh việc truy kích tổ chức "Chia đều các ruộng đất", khiến thủ lĩnh Plekhanov và những thành viên khác của tổ chức này phải rời khỏi nước Nga.

Ngoài ra, trong thời gian này phong trào công nhân Nga cũng có:

  • "Hội liên hiệp công nhân miền Nam Nga" được thiết lập vào năm 1875.
  • "Hội liên hiệp công nhân miền Bắc Nga" tại thành phố Sankt-Peterburg, được thiết lập năm 1878. Hội này tồn tại cho đến năm 1880.

Những vụ ám sát hụt nhằm vào Aleksandr II (1866 - 1880)

Thật vậy, dưới sự lãnh đạo của Ban chấp hành, tổ chức "Dân ý" (Narodnaya Volya) đã thực hiện tổng cộng là tám vụ ám sát nhằm vào Nga hoàng Aleksandr II, nhưng không thành công trong những lần đầu.[1]

Một năm sau khi con trưởng của nhà vua mất (1866),[13] Aleksandr II bị nhà cách mạng trẻ tuổi Dimitry Karakozov mưu sát. Ông thoát chết trong gang tất, và, để tưởng niệm sự thoát chết của Nga hoàng (bản thân ông gọi là "sự kiện 4 tháng 4 năm 1866), nhiều nhà thờ và nhà nguyện được xây dựng ở các thành phố Nga. Không những thế, Viktor Hartmann, một kiến trúc sư người Nga, còn dự định xây một cổng đồ sộ để tưởng niệm sự kiện này. Tuy nhiên, đây chỉ là dự định, cánh cổng đồ sộ đó đã không được xây nên. Sau này, trong phần cuối tác phẩm Kartinki s vystavki – Vospominaniye o Viktore Gartmane của Modest Mussorgsky, "Cảnh cổng lớn thành Kiev" được mô tả dựa trên bản phác thảo của Hartmann.

Một số nhà cải cách cũng theo đuổi biện pháp khủng bố để thực hiện cải cách: vào ngày 14 tháng 4 năm 1879, Aleksandr Soloviev, một cựu sinh viên, đã mưu sát Aleksandr. Ông lại thoát chết còn Soloviev bị xử tử vào tháng sau. Ngoài ra, còn có 16 người khác bị tình nghi là khủng bố.[35]

Lo sợ bị ám sát, Nga hoàng Aleksandr II đã bổ nhiệm sáu quan Toàn quyền - những người thực hiện quyển kiểm duyệt khắt khe ở Nga. Tất cả những quyển sách mang tư tưởng tiến bộ đều bị cấm đoán và những người có tư tưởng cách mạng bị chính quyền bắt và bỏ vào nhà ngục.[35] Trong số đó có Peter Kropotkin - một người chỉ trích nền chính trị Nga thời bấy giờ - bị bắt giữ năm 1874.[73]

Vào tháng 12 năm 1879, hai thành viên của tổ chức "Dân ý" là Andrei Zhelyabov và Sophia Perovskaya đã dùng nitrôglyxêrin để phá hoại chiếc xe lửa của Nga hoàng. Tuy vậy, những người khủng bố đã tính toán sai lệch và kết quả là một chiếc xe lửa khác bị phá hoại. Một âm mưu dùng chất nổ để phá chiếc cầu Kamenny ở kinh thành Sankt-Peterburg khi Aleksandr II đi qua chiếc cầu này cũng không thành công.[35]

Sau đó, ông lại trở thành nạn nhân của một vụ ám sát hụt khác do Stefan Khalturin thực hiện. Stefan Khalturin là một thợ mộc, tham gia trong tổ chức khủng bố "Dân ý".[74] Stefan Khalturin đến kiếm việc ở Cung điện Mùa Đông, được cho phép ngủ tại đó. Thế là Stefan Khalturin đem những gói thuốc nổ dynamit vào phòng của mình và giấu giếm chúng dưới bộ đồ giường của Khalturin.

Vào ngày 17 tháng 2 năm 1880, theo lệnh của tổ chức "Dân ý", Khalturin đặt mìn trong một tầng hầm dưới phòng ăn trong Cung điện Mùa Đông. Quả mìn sẽ nổ vào lúc Nga hoàng Aleksandr II ăn tối, theo tính toán của tổ chức "Dân ý". Rủi thay cho những nhà cách mạng, khách của ông là Vương công Alexander xứ Bulgaria đến trễ, vì thế Aleksandr chưa ngồi vào bàn ăn. Thế là ông lại thoát khỏi một vụ ám sát khác dù 67 người bị giết và bị thương trong vụ nổ.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Aleksandr_II_của_Nga http://220.231.93.23:8000/collect/A-DHAngiang/inde... http://bahai-library.com/resources/tablets-notes/l... http://www.britannica.com/EBchecked/topic/14059/Al... http://www.britannica.com/EBchecked/topic/513251/R... http://www.britannica.com/facts/5/292199/Pan-Slavi... http://www.ditext.com/yarmolinsky/yar14.html http://www.encyclopedia.com/topic/Pan-Slavism.aspx http://books.google.com/books?id=52BmAAAAMAAJ&q=%2... http://www.history.com/this-day-in-history.do?acti... http://www.infoplease.com/ce6/history/A0843532.htm...